Trong một nỗ lực mới nhất nhằm cắt giảm áp lực công việc cho nhân viên, Tập đoàn Panasonic tại Nhật Bản đã triển khai chế độ làm việc 4 ngày/tuần – mỗi ngày 8 giờ, nhằm cho phép người lao động nhận thêm việc, tham gia các hoạt động tình nguyện hoặc nghỉ ngơi. Hành động này như một luận điểm lớn chứng minh rằng, áp lực của nhân viên công sở là vô hình nhưng lại có tác động hữu hình đến không chỉ mỗi cá nhân mà còn đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Áp lực nói trên xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó, “áp lực thành tích” thuộc top đầu của danh sách các nguyên nhân sinh ra những “thây ma công sở”.
Có nhiều câu trả lời trái chiều cho câu hỏi: “‘Chức thấp’ hay ‘chức cao’ phải chịu nhiều áp lực thành tích hơn?”. Trên thực tế, đối với các nhân viên chức thấp, tiền lương ngần ấy là không đủ để họ có được cuộc sống dư giả như mơ, đó là chưa kể đến áp lực từ gia đình buộc họ (nhất là các nam nhân viên) phải sở hữu một chức danh thật “chất lượng”; Không giống như cấp dưới, các sếp thường muốn được thăng chức hoặc đạt được thành tích vượt trội vì tham vọng của mình hoặc muốn chạy đua thành tích với đồng nghiệp, song những lí do này cũng vô tình gây ám ảnh họ triền miên và tạo ra nhiều hệ luỵ tiêu cực. Vì vậy, sự so sánh giữa hai trường hợp trên là không hợp lý.
Từ “áp lực” nghe có vẻ rất tiêu cực, tuy nhiên, “áp lực thành tích” có thể đồng thời đóng vai trò như “động lực” nếu như dân văn phòng biết cách kiểm soát và chuyển hoá chúng. Dưới đây là lộ trình để làm được điều đó.
1. Lý do lý tưởng
Đầu tiên, để thoát khỏi khủng hoảng gây ra bởi vi rút “áp lực thành tích”, bạn cần phải xác định rõ lý do cho mục tiêu thành tích của mình. Lý do này cần thoả mãn các tiêu chí: mang ý nghĩa tích cực; có lợi ích lâu dài; và quan trọng nhất, bạn phải cảm thấy vui khi thực hiện mục tiêu.
Một ví dụ điển hình mà bạn có thể học hỏi – chị N – trưởng phòng nhân sự tại một công ty sản xuất ốp lưng có trụ sở chính tại Mỹ, khi được hỏi về lý do muốn gặt hái nhiều thành tựu trong sự nghiệp, chị cho biết: “Nghe thì có vẻ hơi điêu, nhưng tôi luôn phấn đấu vì muốn cống hiến giá trị của mình cho bất kỳ doanh nghiệp nào sở hữu tôi bằng cách đạt được càng nhiều thành tích càng tốt”. Bỏ qua tiêu chí đầu tiên bởi không cần phải bàn về tính tích cực của lý do mà chị N chia sẻ, hãy nhìn về lợi ích lâu dài của nó. Với tư tưởng ấy, càng về sau chị N sẽ càng tích luỹ thêm nhiều giá trị cho bản thân – giá trị của tri thức và kinh nghiệm – một tài sản vô giá. Thêm vào đó, theo lời của chị N, chúng ta có thể suy ra được chị N tự nguyện và thật sự yêu thích việc chứng minh giá trị của bản thân.
2. Cởi mở
Bước kế tiếp là học cách duy trì áp lực với một thái độ cởi mở. Hãy thử suy nghĩ xem, chẳng ai có thể hoàn thành tốt một việc nhiều lần trong khi không cảm thấy vui. Vì vậy, hãy luôn ưu tiên những “mục tiêu thành tích” mà bạn thật sự muốn có được và giữ vững tư tưởng này. Đối với những mục tiêu bất đắc dĩ, hãy cố gắng hướng chúng theo chiều hướng tích cực bằng cách tìm ra lợi ích của chúng và những điểm phù hợp giữa bạn và chúng.
Một ghi chú quan trọng: Muốn có được thái độ cởi mở, bạn cần tự tạo ra một môi trường cởi mở cho mình. Bởi khoa học đã chứng minh mọi sự vật đều bị tác động từ xung quanh, kể cả con người. Vì vậy, hãy tạo dựng các mối quan hệ tích cực với đồng nghiệp, kết thân với những người bạn lạc quan và có thể giúp đỡ bạn đạt được mục tiêu trong tương lai.