Chiến Lược Về Nhân Sự: Nhân Tố Quyết Định Lợi Thế Cạnh Tranh Của Doanh Nghiệp

Tóm tắt:  Trong môi trường kinh doanh ngày nay, doanh nghiệp phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt. Một sản phẩm hay mặt hàng mới dễ dàng bị bắt chước trong khoảng thời gian rất ngắn. Để thành công, doanh nghiệp phải không ngừng sáng tạo và đổi mới. Những mục tiêu cốt lõi của doanh nghiệp không thể đạt được nếu không xây dựng được những chiến lược về nhân sự tương thích. Bài viết này nêu ra lý do tại sao doanh nghiệp nên xem quản lý nhân sự là một chiến lược thay vì là hoạt động quản lý thông thường. Bên cạnh đó bài viết sẽ lý giải tại sao chiến lược về nhân sự mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Để giúp doanh nghiệp phát huy sáng tạo và lợi thế cạnh tranh, bài viết sẽ chỉ ra những bước đi cần thiết trong tiến trình xây dựng chiến lược nhân sự hiệu quả.

Trong thực tế, quản lý nhân sự thường bị xem nhẹ so với các bộ phận khác (nghiên cứu và phát triển (R&D), tiếp thị (marketing), kế toán và tài chính) bởi vì lợi nhuận của doanh nghiệp thường được gắn với một khám phá mới của bộ phận R&D hay là một chiến dịch marketing hiệu quả. Tuy nhiên doanh nghiệp đã thay đổi cách nhìn về quản lý nhân sự trong những năm gần đây. Những tập đoàn công nghệ lớn tại Hoa Kỳ như Apple, Alphabet (Google), Microsoft, Meta (Facebook) ngày càng chú trọng đến nguồn nhân lực. Những tập đoàn này cố gắng xây dựng chiến lược nhân sự hiệu quả nhằm thúc đẩy sáng tạo, cái quyết định lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Tất nhiên, sáng tạo không tự nhiên mà có, nó bắt nguồn từ trí tuệ, khả năng, và kỹ năng của lực lượng lao động. Để đạt được những mục tiêu chiến lược như tăng trưởng lợi nhuận, thêm nhiều khách hàng, hay mở rộng thị phần, doanh nghiệp cần sự nỗ lực từ quản lý ở mọi cấp độ và sự lãnh đạo tài tình từ cấp trên. Nói khác đi, những nhân tố ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp đến từ chất lượng của nguồn nhân lực. Trong thực tiễn, lực lượng lao động chiếm khoảng 65% tổng chi phí từ doanh nghiệp. Do đó nhiều doanh nghiệp bắt đầu xem nguồn nhân lực là tài sản quý giá bởi vì nó giúp doanh nghiệp tăng cường sự sáng tạo và lợi thế cạnh tranh.

Bài viết này nhằm đạt được bốn mục đích. Thứ nhất, bài viết làm sáng tỏ khái niệm về quản trị nhân sự chiến lược (strategic human resource managment) và làm rõ sự khác biệt giữa quản trị nhân sự chiến lược và quản trị nhân sự (human resource management). Thứ hai, bài viết sẽ làm rõ vai trò của quản trị nhân sự chiến lược trong quá trình thực thi chiến lược của doanh nghiệp. Thứ ba, bài viết sẽ dẫn chứng để minh họa tại sao chiến lược về quản trị nhân sự quyết định thành công của doanh nghiệp. Đây là bài viết đầu tiên trong chuỗi bài viết về mối tương quan giữa chiến lược nhân sự, sáng tạo, và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Quản Trị Nhân Sự, Quản Trị Nhân Sự Chiến Lược, Sáng Tạo, và Lợi Thế Cạnh Tranh

Khái niệm về quản trị nhân sự không phải quá xa lạ với chúng ta. Những người phụ trách về lĩnh vực nhân sự thường chịu trách nhiệm trong công tác tuyển chọn, đào tạo và phát triển, đánh giá, và xây dựng cơ chế lương bổng cho nhân viên. Quản lý về nhân sự còn làm việc với các phòng ban khác để giúp xử lý những vấn đề nảy sinh liên quan đến nhân viên. Những công việc về nhân sự này dễ trở thành hoạt động thường nhật và bị xem nhẹ, do đó tầm quan trọng về công tác nhân sự dễ bị bỏ qua. Nhiều người quan niệm rằng công tác nhân sự chỉ đóng vai trò phụ nhằm trợ giúp các bộ phận hay phòng ban khác trong quá trình tạo ra giá trị cho người tiêu dùng. Công tác nhân sự không trực tiếp làm ra sản phẩm, hàng hóa hay dịch vụ. Cho nên đóng góp của bộ phận nhân sự vào lợi nhuận của doanh nghiệp không rõ ràng nếu dựa trên những tiêu chí về tài chính. Điều này dẫn đến một hệ lụy rằng lĩnh vực nhân sự không được chú trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu chiến lược.

Trong nền kinh tế sáng tạo và môi trường kinh doanh hiện đại, những mục tiêu cốt lõi của doanh nghiệp như tăng trưởng lợi nhuận, thêm nhiều khách hàng, và mở rộng thị trường được quyết định bởi chất lượng của nguồn nhân lực cùng với tính hiệu quả của chiến lược nhân sự. Cụ thể là doanh nghiệp phải có những kế hoạch đúng đắn để thu hút và giữ chân nhân tài. Công tác tuyển chọn nhân lực thực ra chỉ là một phần nhỏ trong chiến lược nhân sự. Ngoài công tác tìm kiếm ứng viên, khâu nhân sự còn phải tìm cách phát huy sự tận tụy, gắn kết, và hết mình vì công việc từ nhân viên. Khi công tác nhân sự được thiết kế nhằm mục đích giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu chiến lược, lúc này quản lý nhân sự trở thành quản lý nhân sự chiến lược. Trong quản lý nhân sự chiến lược, tất cả những hoạt động về nhân sự không phải là những hoạt động thường nhật và thứ yếu nữa, nhưng những hoạt động này được hoạch định và tổ chức một cách chặt chẽ và có kế hoạch nhằm tạo điều kiện cho quá trình thực thi chiến lược.

Sáng tạo và lợi thế cạnh tranh cũng là những khái niệm phổ biến trong lĩnh vực quản lý chiến lược. Sáng tạo là quá trình sáng tác và thương mại hóa sản phẩm, hàng hóa, và dịch vụ mới. Hiểu một cách rộng hơn, sáng tạo còn liên quan đến các hoạt động về thay đổi chiến lược, khả năng sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả, thiết kế những mô hình tổ chức mới, hay là dây chuyền sản xuất mới từ doanh nghiệp. Lợi thế cạnh tranh được dùng để chỉ ưu thế của doanh nghiệp so với đối thủ bằng cách tạo ra những sản phẩm, hàng hóa, và dịch vụ mang tính ưu việt hơn, và do đó doanh nghiệp sẽ thu hút được nhiều khách hàng hơn. Đối với doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh hiện đại, sáng tạo và lợi thế cạnh tranh có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Mục đích tối hậu của doanh nghiệp là mang lại lợi nhuận và gia tăng giá trị cho cổ đông. Để làm tăng lợi nhuận một cách chính đáng, doanh nghiệp phải chiếm ưu thế so với đối thủ để đạt được lợi thế cạnh tranh. Lợi thế cạnh tranh tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhưng sáng tạo là yếu tố quan trọng nhất.

Quản Trị Nhân Sự Chiến Lược và Lợi Thế Cạnh Tranh Của Doanh Nghiệp

Trong những năm gần đây, những tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Alphabet, và Meta đặc biệt đề cao vai trò của nguồn nhân lực trong việc thực thi mục tiêu chiến lược. Lý thuyết về quản trị chiến lược chỉ ra rằng quá trình thực thi chiến lược liên quan đến tất cả thành phần, tổ chức trong doanh nghiệp. Các thành phần này bao gồm cơ cấu doanh nghiệp, quá trình ra quyết định, văn hóa tổ chức, và hệ thống giám sát, khen thưởng. Những thành phần này trực tiếp bị ảnh hưởng bởi kiến thức, kỹ năng, giá trị, sự gắn bó, và nhiệt huyết từ nhân viên. Apple là một tập đoàn công nghệ giàu có nhất Hoa Kỳ với trị giá khoảng 3,000 tỷ dollar (Con số này tương đương với nền kinh tế của Pháp) đang theo đuổi chiến lược khác biệt hóa.

Chiến lược khác biệt hóa yêu cầu doanh nghiệp thiết kế sản phẩm với tính năng ưu việt hơn so với đối thủ cạnh tranh về chất lượng, chức năng, mẫu mã, và các đặc tính khác. iPhone, một sản phẩm thành công nhất của Apple và đang mang lại lợi nhuận rất lớn cho công ty đã đánh bại điện thoại di động của Nokia và Motorola, và gần như xóa sổ chúng khỏi thị trường. iPhone mang lại nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng với sự đa dạng về tính năng. Hơn nữa, kiểu dáng của iPhone khá sang trọng và đặc biệt tập đoàn công nghệ này liên tục cho ra mắt thế hệ iPhone mới. Apple liên tục đạt được những mục tiêu chiến lược trên bằng cách tập trung xây dựng chương trình quản lý nhân sự hiệu quả thông qua công tác Quản Trị Nhân Tài (Talent Management). Qua chương trình này Apple đã lôi cuốn được những lập trình viên tài ba nhất. Những công tác tài tình về nhân sự tạo điều kiện cho trí tuệ và tài năng của lực lượng lao động nở rộ tại công ty.

Tương tự Apple, thành công của tập đoàn Alphabet cũng dựa trên quản trị nhân sự chiến lược vận hành dưới tên gọi Chiến Dịch Con Người (People Operation). Alphabet phấn đấu để dẫn đầu về công nghệ kết nối và sắp xếp thông tin (information organization). Nhờ vào nguồn lực và năng lực hùng hậu, tập đoàn này đã đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ vào các lĩnh vực khác nhau như điện thoại thông minh (smartphone), máy tính, xe tự động. Để đạt được những mục tiêu chiến lược trên, Alphabet dùng Chiến Dịch Con Người để chiêu mộ những người tài giỏi nhất từ lập trình viên máy tính cho đến nhà quản trị cấp cao. Với khẩu hiệu “tìm nhân tài, phát triển nhân tài, và giữ chân nhân tài”. Chiến Dịch Con Người đã giúp công ty hiện thực hóa những dự án mang tính cách mạng. Đây là một vài ví dụ, Goolge là một trong những sản phẩm thành công nhất của Alphabet và sản phẩm này vẫn đứng đầu về công nghệ truy cập thông tin. Thư điện tử Gmail đang được sử dụng bởi hàng tỷ người. Google Map là ứng dụng thông dụng nhất thế giới về định vị. Alphabet vừa cho ra thị trường sản phẩm smartphone Pixel 6 cũng như xe tự lái đang trong giai đoạn kiểm định về độ an toàn.

Cách Xây Dựng Quản Trị Nhân Sự Chiến Lược Để Tăng Cường Lợi Thế Cạnh Tranh cho Doanh Nghiệp

Tất cả doanh nghiệp thành công trên thế giới xây dựng mô hình quản trị nhân sự chiến lược dưới nhiều tên gọi như Chiến Dịch Con Người, Quản Trị Nhân Tài, và Chiêu Mộ Nhân Tài để hỗ trợ doanh nghiệp hiện thực hóa những mục tiêu như tăng trưởng lợi nhuận, thu hút khách hàng, và mở rộng thị trường. Lý thuyết về quản trị chiến lược cho rằng nguồn lực của doanh nghiệp phải thỏa mãn những tiêu chí như hiếm, có giá trị, không thể bắt chước, và không thể thay thế. Khi quản trị nhân sự chiến lược trở thành nguồn lực trọng yếu của doanh nghiệp, bản thân công tác này đã trở thành tài sản vô giá. Cho nên chiến lược về nhân sự tại những công ty thành công không dễ bị bắt chước và lập lại. Trong thực tế tìm kiếm nhân tài không khó đối với doanh nghiệp, nhưng không dễ để thiết kế công tác nhân sự khớp với mục tiêu chiến lược. Apple và Alphabet xây dựng công tác nhân sự nhằm tạo điều kiện cho những doanh nghiệp này đạt được những mục tiêu như dẫn đầu về sáng tạo công nghệ và xây dựng những sản phẩm phổ biến nhất. Tại những tập đoàn này, quản trị nhân sự đã trở thành quản trị nhân sự chiến lược. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể bắt chước rập khuôn những mô hình về quản trị nhân sự thành công được nhiều người biết đến. Nếu những chiến lược này dễ dàng bị lập lại, chúng không còn mang tính chiến lược nữa. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể học hỏi gì về những mô hình nhân sự thành công này. Đây là một số bước đi cần thiết doanh nghiệp nên để tâm khi nỗ lực thiết kế chiến lược nhân sự nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh mà doanh nghiệp mong muốn.

Thứ nhất, doanh nghiệp nên phân tích môi trường bên trong và bên ngoài một cách thấu đáo. Doanh nghiệp có thể sử dụng một số công cụ phổ biến như phân tích về PESTEL (PESTEL viết tắt cho chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, công nghệ, môi trường, và luật pháp), phân tích SWOT (SWOT viết tắt cho điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, và mối đe dọa/thách thức), Năm Lực Lượng Cạnh Tranh của Porter (Porter’s Five Forces), và phân tích về chuỗi giá trị. Xem xét môi trường bên trong và bên ngoài doanh nghiệp là hành vi khá phổ biến trong quá trình xây dựng bất cứ chiến lược nào. Trong khi môi trường bên ngoài thường tương tự cho hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành, môi trường bên trong thường rất khác biệt đối với từng doanh nghiệp. Do đó áp dụng rập khuôn những mô hình quản trị nhân lực phổ biến mà không tính đến hoàn cảnh cụ thể của từng doanh nghiệp dễ đi đến thất bại.

Thứ hai, doanh nghiệp nên học hỏi những công tác nhân sự phổ biến được áp dụng bởi những doanh nghiệp thành công. Ví dụ như doanh nghiệp có thể tận dụng những ý tưởng tưởng về Chiến Dịch Con Người từ Alphabet, Quản Trị Nhân Tài từ Apple, hay Chiêu Mộ Nhân Tài của SAS (SAS là một công ty về phân tích dữ liệu ở tiểu bang North Carolina. Đây cũng là công ty được bình chọn nơi làm việc yêu thích nhất từ người trẻ. Chuyện kể rằng Alphabet đã phái một nhóm chuyên gia đến học hỏi kinh nghiệm về nhân sự tại SAS để biết vì sao công ty này liên tục được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất nhiều năm liền. Thiết nghĩ rằng Alphabet cũng rất thông minh để nhận ra rằng học hỏi kinh nghiệm về nhân lực tại SAS chỉ là một kênh tham khảo hữu hiệu trong quá trình thiết kế riêng cho mình mô hình quản trị nhân sự tối ưu nhất.  

Thứ ba, khi xây dựng chiến lược về quản trị nhân sự, doanh nghiệp nên khuyến khích nhân viên nhằm tăng cường sự gắn kết với doanh nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện, và giúp đỡ nhân viên sẽ làm gia tăng sự tận tụy của họ với doanh nghiệp. Để nhân viên có cảm giác được quan tâm và khuyến khích, lãnh đạo doanh nghiệp nên tôn trọng nhân viên của mình và sẵn lòng lắng nghe tiếng nói của họ. Tạo điều kiện cho nhân viên theo đuổi những dự án thú vị cũng là cách làm tăng sự gắn kết và tận tụy của họ với doanh nghiệp. Tập đoàn công nghệ Alphabet cho phép nhân viên dành ra khoảng 20% thời gian làm việc để tự do theo đuổi những hoạt động mà họ đam mê. Tập đoàn Microsoft từng đề cao những ai siêng năng và chịu được cường độ làm việc cao. Tuy nhiên công ty đã thay đổi quan niệm này trong những năm gần đây. Tập đoàn này bắt đầu giảm áp lực cho nhân viên và thiết kế một môi trường làm việc thoải mái hơn. Môi trường làm việc nhẹ nhàng và thú vị có xu hướng tăng cường tính sáng tạo.

Thứ tư, chiến lược mới về nhân sự sẽ không mang lại kết quả nếu thiếu sự chỉ dẫn từ lãnh đạo doanh nghiệp. Lãnh đạo nên tạo điều kiện cho quản lý các cấp và nhân viên tham gia vào quá trình thiết kế và thực thi chiến lược. Công tác về nguồn nhân lực phải khớp với mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Southwest Airline là một trong những hãng hàng không lớn nhất Hoa Kỳ, mục tiêu chiến lược của Southwest Airline là tạo ra môi trường thoải mái và thân thiện trên những chuyến bay của hãng, do đó tập đoàn này đã thiết kế công tác nhân sự giúp họ tuyển chọn những nhân viên nhiệt tình, sáng tạo, và thân thiện. Những nhân viên này thường sẵn lòng giúp đỡ khách hàng trong những trường hợp cần thiết.

Kết Luận

Bởi vì nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong quá trình thiết kế và thực thi chiến lược, nhiều doanh nghiệp đã và đang xây dựng những chương trình về nhân lực với mục tiêu hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Trước khi xây dựng bất cứ chiến lược nào về nhân sự, doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ môi trường bên trong và bên ngoài. Sau đó doanh nghiệp nên quan sát và học hỏi những công tác nhân sự từ những doanh nghiệp thành công. Khi xây dựng chiến lược về nhân sự, doanh nghiệp nên chú trọng khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân viên trong công việc. Ngoài ra, chiến lược về nhân sự khó thành công nếu thiếu vắng sự ủng hộ và lãnh đạo tài tình từ cấp trên.

[English]
Strategic Human Resource Management: A Key Determinant of Firms’ Competitive Advantage

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *